Ẩm thực - Đặc sản

Những món ăn ngày Tết của đồng bào dân tộc Việt Nam

Trên mảnh đất hình chữ S có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó người Kinh chiếm đa số. Mỗi dân tộc đều có nét đẹp và đặc trưng riêng khó trộn lẫn.


Tết đến, xuân về, mỗi dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều hứng khởi và chuẩn bị thật chu đáo, tươm tất với mong ước năm mới mọi sự tốt lành.

Tết về, món ăn là thứ không thể thiếu. Nếu người Kinh có thịt, dưa hành, bánh chưng…thì các dân tộc anh em cũng không hề thua kém. Với đồng bào dân tộc Chăm và Khmer, Tết về, người dân thường làm loại bánh truyền thống là để dâng lên tổ tiên trong ngày Tết với ước mong cuộc sống no đủ, hạnh phúc.
Bánh củ gừng
Bánh được làm từ bột gạo nếp, trứng gà, đường và men rượu, được khéo léo nặn thành hình củ gừng. Sau khi được chiên dầu, bánh được nhúng vào nước đường để bóng mịn, sau đó được gắp ra phơi khô trong 10-15 phút để làm tăng độ giòn.

Ngoài dịp tết, theo phong tục Chăm, bánh gừng hiện diện trong các lễ hội quan trọng, đặc biệt là Tết Ka tê, lễ cưới. Bánh gừng không chỉ góp phần làm tăng vẻ đẹp của mâm cơm mà còn thể hiện sự long trọng trong ngày lễ Tết. Trong lễ cưới, bánh gừng được đặt lên trên cùng với bánh gang tay (gakiya) và bánh tét (paynung). Bánh gang tay tượng trưng cho người vợ, bánh tét tượng trưng cho người chồng, còn bánh gừng là sự hòa hợp, tượng trưng cho sự chung thủy của hai vợ chồng.

Với đồng bào dân tộc Tây Nguyên, Tết về, không khí nơi đây vô cùng nhộn nhịp, người dân trổ tài nấu ăn để đãi khách, đặc biệt: nấu cơm lam bằng gạo nếp thay cho gạo tẻ, thịt nướng và rượu cần.

Đối với người Dao, Tết về món thịt lợn chua (hay còn gọi là ò sui). Đây là món ăn dân dã, được chế biến từ thịt lợn, cơm tẻ nguội và muối tinh. Món này ăn kèm với lá prăng lẩu, lá lốt, chấm chanh ớt.
Món thịt lợn chua của người Dao
Với dân tộc Nùng, họ cũng có những món ăn đặc trưng cho riêng họ đó là bánh cao (bánh khảo). Bánh cao được gia chủ tự làm và được dùng để mời khách đến nhà chơi. Bánh được làm từ bột nếp rang với đường, nhân là mứt bí và mỡ phần. Làm bánh khảo cũng mất khá nhiều thời gian vì quy trình dài gồm: rang gạo, xay bột, hạ thổ, giã đường, làm nhân, vò bột, vào khuôn.

Ngoài ra, bánh tro cũng là món đặc trưng, được làm từ gạo nếp ngâm qua nước vôi rất cầu kỳ và khi ăn thường chấm với mật. Bánh tro rất được trẻ em Nùng ưa thích.

dân tộc Mông, Tết về, người dân thường làm bánh dầy, bánh làm từ hạt gạo nếp nương. Vào ngày Tết, tùy mỗi bản làng, người Mông tổ chức thi giã bánh dầy, người nào có tài làm bánh dẻo, thơm, đẹp mắt thì được thưởng.

Với dân tộc Thái, Tết về, cá là món ăn không thể thiếu. Cá đánh bắt về được dân làng chọn con to nhất để nướng nguyên con, số còn lại được chế biến thành các món như cá sả, cá độn cơm, cá sấy, cá pa lạp… Trong đó, cá pa lạp là món ăn đặc biệt, vừa béo vừa cay, lại có vị chua chat của lá rừng, thường được dùng để đãi khách quý trong ngày Tết.

Ngoài ra, người Thái (Yên Bái) còn làm món xôi ngũ sắc thơm ngon, béo ngậy từ hạt gạo, lá nếp. Một món ăn nữa không thể không kể đến là cơm lam – món ăn linh thiêng mà theo tín ngưỡng dân gian, nó gắn với vòng đời của con người.

Tết của dân tộc Cơ Tu cũng đặc sắc không kém. Từ khoảng giữa tháng Chạp, người dân nơi đây đã tất bật vào rừng hái lá dong, lá đót, ống tre, nứa tươi… để chuẩn bị nguyên liệu làm các món ăn truyền thống của dân tộc mình trong ngày Tết.

Món bánh luôn có mặt trong mâm lễ cúng dâng lên Giàng của dân tộc Cơ Tu là bánh sừng trâu (còn gọi là bánh đót). Bánh không có nhân, được làm từ nếp và gói bằng lá đót.

Bánh được cột lại từng cặp, ngâm vào nước trong vòng 2-3 tiếng rồi mới luộc. Khi luộc chín, bánh tỏa hương thơm hấp dẫn của nếp quyện cùng mùi thơm của lá. Bánh sừng trâu có ý nghĩa tâm linh và tượng trưng cho hình ảnh con trâu của người dân Cơ Tu – một con vật thiêng liêng và có nhiều ý nghĩa trong đời sống. Ngoài ra, ẩm thực ngày Tết của người dân nơi đây luôn phải có 2 loại rượu truyền thống là rượu cần và rượu Tà vạt.

Dân tộc Tày rất coi trọng ngày Tết vì thế món ăn của họ chế biến đãi khách luôn đa dạng, phong phú. Họ có món thịt lợn quay, thịt lợn được chọn từ con lợn ta xương nhỏ, thịt chắc, nhiều nạc. Sau khi mổ và lấy hết nội tạng lợn ra, người dân sẽ ướp gia vị và lá mắc mật vào bên trong bụng lợn và khâu lại.
Món khâu nhục đặc sản dân tộc Tày
Tết của dân tộc Tày còn có món khâu nhục, được chế biến khá cầu kỳ từ những kinh nghiệm tiếp thu của người Hoa trong vùng. Để làm món khâu nhục ngon, người Tày chọn thịt ba chỉ có đủ mỡ, bì, nạc và cắt thành từng miếng to, mỗi miếng khoảng 5 lạng, sau đó đem luộc chín.

Khi thịt chín tới, vớt ra để nguội, sau đó dùng chiếc que nhọn xiên vào phần bì miếng thịt, ướp các gia vị như húng lìu, xì dầu, muối, mật ong. Sau đó, đem rán ngập trong chảo dầu sôi. Bước tiếp theo là hấp cách thủy sao cho thịt chín mềm không nát, lại có vị ngọt đậm đà, ăn nóng kèm với xôi hoặc cơm đều rất ngon. Món khâu nhục thường được người Tày Văn Lãng làm để đãi khách trong các dịp quan trọng như mừng thọ, cưới hỏi.

About Mỵ Nương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.