Khơ me

Những ngôi chùa độc đáo chỉ có ở Sóc Trăng

Sóc Trăng có những nét riêng khó trộn lẫn khi có sự giao thoa giữa các nét văn hóa Kinh – Khmer – Hoa. Nơi đây bao đời thu hút du khách bởi những ngôi chùa độc đáo, linh thiêng, hiếm có. Hiện mảnh đất này có trên 200 ngôi chùa lớn, nhỏ khác nhau.

#1. Chùa Dơi


Đây là ngôi chùa nổi tiếng, có kiến trúc hoa văn, to đẹp vào loại bậc nhất trong số những ngôi chùa Khmer ở Sóc Trăng. Chùa Dơi cũng là ngôi chùa được xếp hạng là Di tích danh thắng cấp Quốc gia đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.

Chùa Dơi Sóc Trăng còn gọi chùa Mã Tộc (hay chùa Mahatúp), nhưng người dân vẫn gọi với cái tên chùa Dơi. Sở dĩ chùa có tên như vậy là do đây là nơi trú ngụ của rất nhiều loài dơi như: dơi quạ, dơi ngựa lớn, dơi ngựa Thái Lan... có con nặng lên đến 01kg, sải cánh dài hơn 1,5m.
Chùa Dơi Sóc Trăng
Chùa gồm 3 công trình kiến trúc chính là chánh điện, sala và nhờ thờ cố lục cả Thạch Chia Chánh điện được xây lại bằng gạch, mái lợp ngói, bốn đầu mái cong vút chạm trổ hình rắn Naga, trên đỉnh mái có một ngọn tháp nhọn. Bao quanh chánh điện là các hàng cột đỡ, mỗi cột có một tượng tiên nữ Kemnar chắp hai tay trước ngực...Trong chánh điện có pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối đặt trên một tòa sen cao khoảng 2m và một pho tượng miêu tả Đức Phật cưỡi trên rắn thần Muchalinda. Đặc biệt, trong Chùa Dơi Sóc Trăng còn lưu giữ các bộ kinh ghi trên lá cây thốt nốt, và những hiện vật quý hiếm mang giá trị đặc sắc về văn hóa tín ngưỡng của vùng đất Nam Bộ.

Bên ngoài chánh điện của Chùa Dơi Sóc Trăng là khuôn viên xanh mát rợp bóng cây cổ thụ, không gian mát mẻ, thanh tịnh. Trong khuôn viên còn có xây nhiều bảo tháp chứa di hài các sư trụ trì chùa, và nhà hội Sa La với kiến trúc kiểu nhà rông, làm nơi nghỉ ngơi, tu học của các sư sãi...

Ngoài ra, phía sau Chùa Dơi Sóc Trăng có những ngôi mộ kỳ lạ, trên mỗi mộ có vẽ hình 1 con heo, đây là những con heo 5 móng (heo thường chỉ có 3 móng) được các nhà sư nuôi trong chùa, và khi chết chúng được chôn tại đây. Hiện chùa vẫn còn nuôi 4-5 con heo 5 móng.

Chùa Dơi chỉ cách trung tâm thành phố Sóc Trăng chừng 2km. Đến chùa Dơi, du khách không chỉ được thả hồn trong không gian thoáng đãng, ngắm những chú dơi vắt vẻo trên cây, thi thoảng chúng lại bay đen kịt cả bầu trời mà còn được nghe những bản nhạc ngũ âm đầy màu sắc.

#2. Chùa Đất Sét


Đây cũng là ngôi chùa nổi tiếng ở Sóc Trăng. Ngôi chùa đã có hơn 200 năm tuổi với tên gọi Bửu Sơn Tự.

Hầu hết các tượng Phật ở đây đều được làm từ đất sét. Trong chùa còn lưu giữ 1.991 pho tượng Phật lớn nhỏ, được nặng từ đất sét, không chỉ là những bức tượng phật mà còn có những hình hài, linh thú, tháp đa bảo 13 tầng, được tạo bằng đất sét với những họa tiết tinh tế đòi hỏi kĩ thuật tay nghề cao mới làm được.
Chùa Đất Sét
Chùa Đất Sét nằm tại thành phố Sóc Trăng, là nơi thờ tự của nhà họ Ngô ở Sóc Trăng vì vậy không có sư sãi ở, chỉ có những người trong họ chăm lo hương khói và giữ chùa. Người có công lớn xây dựng ngôi chùa là ông Ngô Kim Tòng, trụ trì thứ tư của ngôi chùa và cũng là người tạo nên những tác phẩm bằng đất sét đặc biệt, có một không hai.

Đặc biệt trong chùa có 04 cặp đèn cầy (nến) nặng tổng cộng 1,4 tấn: 6 cây lớn chưa đốt nặng khoảng 200kg/ cây, và 2 cây nhỏ mỗi cây nặng 100kg được thắp từ khi ông Ngô Kim Tòng mất năm 1970 đến nay vẫn chưa hết. Cây nến lớn ước tính sẽ thắp suốt ngày đêm trong khoảng 80 năm. Ngoài ra, còn rất nhiều điều để khám phá ngôi chùa này như: 03 cái đỉnh đất sét mỗi cái cao 2 mét, tháp đa bảo 13 tầng, cây đèn lục long đăng có 3 chóp đỉnh với 6 con rồng lớn uốn cong, tòa sen 1000 cánh mà mỗi cánh đều có một vị Phật. Tại đây còn có 3 cây hương (nhang) mỗi cây cao 1,5m chưa đốt. Tháng 3/2011, chùa Đất Sét đã được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa (thuộc lĩnh vực kiến trúc – nghệ thuật) cấp tỉnh.

#3. Chùa Tầm Vu


Đây là điểm đến hấp dẫn du khách của tỉnh Sóc Trăng. Chùa Tầm Vu còn có tên gọi theo tiếng Khmer là Prêk Om Pu, nằm ở huyện Trần Đề. Đây là một trong những ngôi chùa Khmer cổ nhất còn nguyên vẹn ở Sóc Trăng
Chùa Tầm Vu
Được xây dựng từ năm 1664 bằng tre, lá đơn sơ, cho mãi đến năm 1977 chùa mới được xây dựng lại nhờ sự đóng góp của nhân dân, tính đến nay ngôi chùa đã có tuổi đời gần 350 năm.

Chùa nằm dọc theo sông Hưng Thới, bên trong chùa có một bức tượng tượng hai vị sư đang đỡ một vòng tròn đặt trên một cái lư, vòng tròn này mô phỏng theo bánh xe luân hồi của đạo Phật với ý muốn: Phật pháp lan toả và thấm nhuần khắp 8 phương. Bên dưới vòng tròn là dòng chữ đắp nổi tên chùa bằng chữ Khmer Prêk Om Pu(Tầm Vu).

Chùa Tầm Vu là một công trình nghệ thuật kiến trúc có giá trị thẩm mỹ và là một những công trình kiến trúc tôn giáo thể hiện đặc trưng văn hoá truyền thống người Khmer Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng.

Ở Sóc Trăng còn có chùa Chén Kiểu vô cùng độc đáo, ngôi chùa này gây ấn tượng mạnh bởi chính là ngôi chùa sử dụng những chén, đĩa sứ với hoa văn đặc sắc ốp lên tường trang trí.

Cũng giống như những ngôi chùa Khmer khác, mái chánh điện của chùa Chén Kiểu cũng được xây dựng theo dạng tam cấp và rực rỡ sắc vàng. Khu vườn chùa Chén Kiểu là quần thể kiến trúc gồm nhiều tượng phật lớn nhỏ với các tư thế khác nhau, tái hiện lại quá trình ra đời, đi tìm chân lý và giác ngộ của Phật Thích Ca.
Chùa Chén Kiểu
 Đặc biệt, trong chùa Chén Kiểu còn lưu giữ nhiều đồ gỗ, hai chiếc giường nóng lạnh được chạm khảm rất tinh tế cùng bộ trường kỷ của “Công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy nổi tiếng giàu có một thời ở Nam kỳ lục tỉnh.

Trên đây là những ngôi chùa nổi tiếng của vùng đất Sóc Trăng - quê hương của bánh pía. Nếu có dịp đến Sóc Trăng, du khách đừng quên ghé thăm những ngôi chùa Khmer cổ kính để hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa cũng như đời sống tâm linh của đồng bào Khmer Nam bộ.

>> Có thể bạn quan tâm: Đặc sản Sóc Trăng

About Mỵ Nương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.