Ẩm thực - Đặc sản

Đặc sản Sóc Trăng hút hồn du khách

Khác với các mảnh đất thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng với người Chăm bản địa đã tạo nên sự hấp dẫn, khó trộn lẫn.


Sóc Trăng có rất nhiều các công trình kiến trúc cổ xưa mang đậm dấu ấn lịch sử như chùa Tầm Vu có niên đại gần 350 năm, các công trình kiến trúc nghệ thật độc đáo đặc trưng của người Khmer Nam Bộ. Ngoài ra còn có chùa Dơi, chùa Đất Sét…. Thêm vào đó, Sóc Trăng còn có chợ nổi Ngã Năm nhộn nhịp và sầm uất.

Ngoài tham quan danh lam thắng cảnh, tham gia vào các lễ hội độc đáo, du khách còn có dịp thưởng thức nhiều loại bánh cũng như những món ăn chơi hấp dẫn mang hơi thở miền Tây.
Bánh pía Sóc Trăng
Đặc sản của Sóc Trăng phải nhắc đến bánh pía, loại bánh này do người Hoa di cư vào miền Nam sáng tạo ra. Bánh pía được làm bằng bột mì, sầu riêng, lòng đỏ trứng. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, bánh pía có thêm nhiều loại hình mới như bánh pía môn, bánh pía thịt lạp…

Bánh pía Sóc Trăng được chế biến phù hợp với khẩu vị của người Việt bởi tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào, hấp dẫn trên vùng đất Nam Bộ.

Vú sữa Đại Tâm cũng là loại trái cây làm nổi danh vùng đất Sóc Trăng. Vú sữa tím vì có vị ngọt thanh, hạt nhỏ, vỏ mỏng, khi chín vỏ trái màu tím than, căng mọng rất đẹp mắt. Mùa vú sữa chín ở xã Đại Tâm bắt đầu từ tháng 12 kéo dài đến ra Giêng.

Ngoài vú sữa tím Đại Tâm, bưởi năm roi Kế Thành (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cũng là trái cây đặc sản của tỉnh Sóc Trăng. Với đặc điểm có vỏ mỏng, màu trái vàng óng, sáng đẹp, có vị ngọt rất đậm đà, ăn không the, không hạt lúc chín, nên bưởi năm roi Kế Thành rất được du khách ưa chuộng.

Cá bống sao Cù Lao Dung cũng là món ăn mà du khách không thể bỏ qua khi đến Sóc Trăng. Cá bống sao có đốm xanh, da lấm tấm những chấm trắng li ti. Thịt cá bống sao màu đỏ, săn chắc rất ngon. Người ta thường dùng cá kho tiêu hoặc kho khô, địa phương gọi là “kho chồn”. Cá bống sao kho chồn ngon nhờ lá gan của nó lớn gần bằng bụng. Vị nhân nhẩn đắng, bùi bùi của gan cá, cộng với mùi nồng hăng thơm ngát của rau cải vườn tạo nên dư vị khó quên.
Đặc sản Sóc Trăng, cá bống Cù Lao Dung kho tiêu

Ngoài hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang nổi tiếng, Miền Tây còn có hủ tiếu cà ri Vĩnh Châu nổi tiếng. Đây được coi là đặc sản của Sóc Trăng. Trước đây, hủ tíu cà ri Vĩnh Châu được nấu với thịt heo chứ không phải là thịt gà hay thịt dê như thông thường. Ngày nay, món này được bà con biến tấu thêm từ thịt vịt xiêm trưởng thành. Phần nước hủ tíu cà ri Vĩnh Châu có màu vàng của nghệ giống như những món cà ri khác nhưng khi ăn vào có mùi thơm dịu hơn không quá béo ngậy làm người ăn dễ phát ngán và mùi vị không nồng như món cà ri quen thuộc. Phần bánh hủ tíu nơi đây cũng nổi tiếng một vùng được làm từ bột gạo, cọng nhỏ, mềm, độ dai vừa phải do chính người dân Vĩnh Châu tự chế biến.

Lạp xưởng Vũng Thơm cũng là đặc sản của Sóc Trăng. Nghề làm lạp xưởng gia truyền ở Vũng Thơm có rất nhiều loại khác nhau phù hợp với vị giác của từng người, với các loại như: lạp xưởng thịt, lạp xưởng tôm, lạp xưởng gà…

Khô trâu từ lâu đã có một sức hấp dẫn lạ kỳ nhờ thịt ngon, ngọt và bổ dưỡng không thua gì thịt bò. Theo Đông y, thịt trâu mát, hiền, ăn thường xuyên có thể trị được bệnh tê thấp. Khô trâu Thạnh Trị ở Sóc Trăng được chế biến cũng giống như khô bò nhưng muốn cho miếng khô thơm, ngon, mùi vị hấp dẫn, người làm phải chọn cho được thịt đùi, đùi sau càng tốt rồi thái (lóc) bỏ hết gân trước khi đem xắt thành lát nguyên vẹn, tiếp theo là ướp gia vị vào gồm xả bằm, muối, tỏi, ớt,… khoảng nửa ngày cho ngấm. Sau đó đem phơi nắng hoặc sấy trong lò.
Đặc sản bánh mè láo
Mè láo là một món đặc sản của người Hoa tại miền đất Sóc Trăng. Đây là đặc sản mà du khách thường mua về làm quà. Bánh cực xốp, giòn tan và thơm, lớp mạch nha bao phủ bên ngoài ngon ngọt cùng hương thơm của mè sẽ làm bạn thích thú hơn khi ăn. Bánh mè láo được làm từ bột nếp, khoai môn, đường và mè. Khoai môn được người thợ làm bánh gọt vỏ rồi quết ra cho nhuyễn, sau đó đem đi phơi nắng vài ba ngày. Khi chiên bánh, người ta sẽ lăn từng miếng khoai môn vào bột nếp rồi mới cho vào chảo dầu sôi. Miếng bánh sẽ phình to ra do có chứa bột nếp. Người ta vớt bánh vừa chiên đem nhún vào nước đường, rồi rắc thật nhiều mè lên.

About Mỵ Nương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.